Cảnh giác với các cuộc gọi “cập nhật thông tin” giả mạo trong thời điểm sáp nhập tỉnh, thành

Thứ sáu - 04/07/2025 17:16
Kể từ ngày 1.7.2025, cả nước chính thức thực hiện Nghị quyết sắp xếp lại đơn vị hành chính, giảm số lượng tỉnh, thành và điều chỉnh địa giới nhiều địa phương. Lợi dụng thời điểm này, hàng loạt chiêu trò lừa đảo tinh vi đã xuất hiện, đội lốt các cuộc gọi “cập nhật thông tin”, “đồng bộ dữ liệu”, hay “chuyển đổi giấy tờ” nhằm chiếm đoạt tiền và đánh cắp thông tin cá nhân.

Giả danh cán bộ, nhân viên ngành điện, công an để đánh lừa người dân

Ghi nhận tại Quảng Ninh, chị Hà Hoàng (kinh doanh bánh mì tại P.Cẩm Phả) nhận được một cuộc gọi từ người tự xưng là công an địa phương, yêu cầu chị tích hợp thông tin giấy tờ cho con vào ứng dụng VNeID do sắp tới phường xã sẽ thay đổi sau sáp nhập. Sau đó, đối tượng còn cho số liên hệ "cán bộ hành chính công" để tạo niềm tin. May mắn, chị đã cảnh giác và xác minh qua hàng xóm để tránh sập bẫy.

Một trường hợp khác, chị N.V.A – chủ quán cà phê cùng khu vực, cũng bị một đối tượng giả danh công an gọi điện, đọc rõ ràng tên tuổi và số căn cước công dân, rồi dụ dỗ kết bạn Zalo để gửi đường link cập nhật thông tin VNeID mức 2. Chị suýt thực hiện theo nếu không được người nhà phát hiện kịp thời.

Tương tự, một số khách hàng tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đã phản ánh có người giả danh nhân viên ngành điện gọi điện với nội dung như: “đang thực hiện sáp nhập đơn vị”, “cần cập nhật lại địa chỉ thanh toán tiền điện”, rồi yêu cầu cung cấp họ tên, số tài khoản, mã OTP… nhằm chiếm đoạt tiền qua ngân hàng. Có trường hợp, đối tượng còn gọi video để tạo sự tin tưởng, sau đó hướng dẫn nạn nhân truy cập các đường link lạ.


Ngành điện cảnh báo: Tuyệt đối không cung cấp OTP, tài khoản, thông tin cá nhân qua cuộc gọi

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) khẳng định: không có bất kỳ yêu cầu nào về việc cung cấp mã OTP, số tài khoản ngân hàng, hay truy cập đường link qua điện thoại, tin nhắn hay mạng xã hội. Mọi thông báo chính thức đều được gửi qua các kênh chính thống như:

  • Website và ứng dụng của EVNHCMC (https://cskh.evnhcmc.vn)

  • Cổng dịch vụ khách hàng của EVN

  • Công văn từ chính quyền địa phương, có dấu mộc xác thực

Đặc biệt, EVNHCMC hiện đang mở rộng địa bàn sau khi tiếp nhận quản lý điện lực tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ 1.7.2025, khách hàng tại hai khu vực này sẽ được quản lý tập trung tại TP.HCM. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không yêu cầu người dân phải cung cấp lại thông tin cá nhân qua bất kỳ hình thức không chính thống nào.


Chuyên gia an ninh mạng cảnh báo: Cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo biến tướng

Theo ông Ngô Minh Hiếu – Giám đốc dự án Chongluadao.vn, việc lợi dụng sự kiện sáp nhập tỉnh, thành là một cơ hội “vàng” để các đối tượng lừa đảo tung ra hàng loạt kịch bản tinh vi, đánh vào sự thiếu thông tin và tâm lý lo sợ của người dân.

Các hình thức lừa đảo có thể kể đến bao gồm:

  • Mạo danh công an, cán bộ xã/phường yêu cầu cập nhật thông tin hộ tịch, CCCD, thông qua link độc hại hoặc Zalo.

  • Giả danh ngành điện, nước, internet dọa ngắt dịch vụ nếu không “đồng bộ thông tin”.

  • Lừa đảo cập nhật thông tin đất đai, sổ đỏ, yêu cầu chuyển lệ phí “làm nhanh” qua ví điện tử.

  • Giả mạo trang Cổng Dịch vụ công, ứng dụng VNeID, cài app giả để lấy cắp mã OTP hoặc kiểm soát thiết bị.

  • Mạo danh ngân hàng, thuế, UBND địa phương để thu phí “cập nhật dữ liệu hành chính”.


Làm gì để tránh bị lừa?

  1. Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mã OTP qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội trừ khi được xác minh rõ nguồn gốc.

  2. Không nhấp vào bất kỳ đường link nào lạ, kể cả khi được gửi bởi người xưng là cán bộ cơ quan nhà nước.

  3. Chỉ truy cập ứng dụng VNeID và dịch vụ công trên App Store hoặc CH Play chính thức.

  4. Luôn xác minh lại thông tin với công an, chính quyền địa phương, hoặc tổng đài ngành điện, thuế, ngân hàng.

  5. Cảnh báo người thân, đặc biệt là người lớn tuổi hoặc ít sử dụng công nghệ, để tránh bị đánh lừa.

  6. Báo cáo ngay với cơ quan chức năng nếu nghi ngờ bị lừa hoặc phát hiện kẻ giả danh.


Việc sáp nhập địa giới hành chính là chủ trương lớn, được thực hiện theo kế hoạch rõ ràng và minh bạch. Các cơ quan nhà nước đều có quy trình thông báo chính thức qua văn bản hoặc cổng dịch vụ công. Người dân cần cảnh giác cao độ, không để các cuộc gọi bất ngờ, lời nói có vẻ “chính thống” đánh lừa và dẫn đến mất tiền, mất thông tin cá nhân.

Hãy luôn giữ vững nguyên tắc: Không cung cấp thông tin cá nhân – Không nhấp link lạ – Không chuyển tiền cho người lạ!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LUẬT SƯ NGUYỄN THỊ KIM OANH: NGƯỜI TRUYỀN LỬA TÍN – LAN TỎA NIỀM TIN

Là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Luật Nguyễn (Luật Nguyễn Corp) và người sáng lập Cộng đồng Doanh nhân Tâm Giao (TGEC), bà không chỉ là một luật sư tài năng mà còn là một nhà lãnh đạo, một người kết nối, và một tấm gương sáng về sự cống hiến và trách nhiệm. Với triết lý sống “Trao chữ tín...

DỊCH VỤ LUẬT NGUYỄN
Thăm dò ý kiến

Bạn tìm thấy chúng tôi từ đâu ?

TRỢ LÝ TÀI CHÍNH A.I
BANNER DOC
BANNER DOC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây