Tại Nghị quyết 191/NQ-CP ngày 26.6.2025, Chính phủ đã chính thức yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng dự thảo luật thuế TNCN mới, trong đó GTGC cần tính đến điều kiện kinh tế - xã hội và đặc điểm vùng, miền. Đây là nội dung nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn và các chuyên gia thuế, bởi lâu nay, mức giảm trừ đang được áp dụng thống nhất trên cả nước mà không xét tới mức sống và chi phí tiêu dùng vốn rất khác biệt giữa các khu vực.
TS. Nguyễn Ngọc Tú (Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) nhận định: “Một người nộp thuế sống tại Hà Nội hay TP.HCM phải chi tiêu cao hơn nhiều so với người ở các tỉnh nông thôn. Nếu cùng một mức GTGC cho tất cả sẽ là bất công. Giải pháp hợp lý là gắn mức giảm trừ này với lương tối thiểu vùng – vốn đã phản ánh phần nào sự chênh lệch về chi phí sống”.
Ông Tú đề xuất có thể lấy mốc 4 – 5 lần lương tối thiểu vùng để làm cơ sở xác định mức GTGC. Ví dụ: lương tối thiểu vùng I (áp dụng cho TP.HCM, Hà Nội) hiện là khoảng 4,96 triệu đồng/tháng thì mức giảm trừ phù hợp cho người nộp thuế vùng này có thể là khoảng 20 triệu đồng/tháng. Với các vùng còn lại có mức lương tối thiểu thấp hơn thì GTGC cũng sẽ điều chỉnh tương ứng.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM) – cho rằng, nên áp dụng mức GTGC bằng 4 lần lương tối thiểu vùng cho người nộp thuế, và 2 lần cho mỗi người phụ thuộc. Hiện mức GTGC cho người phụ thuộc chỉ bằng 40% người nộp thuế là không phù hợp, vì chi phí sinh hoạt giữa người phụ thuộc và người nộp thuế không chênh lệch quá nhiều.
Ông Nghĩa cũng phân tích, nếu GTGC được điều chỉnh theo lương tối thiểu vùng vốn được cập nhật hằng năm, thì mức giảm trừ cũng sẽ tự động tăng lên theo biến động kinh tế, tránh tình trạng “quên điều chỉnh” như thời gian qua.
Theo lộ trình, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật, trình Chính phủ xem xét trong tháng 7 và gửi Quốc hội thảo luận vào kỳ họp cuối năm nay (dự kiến tháng 10.2025). Nếu được thông qua, nhiều chuyên gia đề nghị nên áp dụng mức GTGC mới ngay trong năm 2025 để có thể thực hiện khi quyết toán thuế TNCN cho năm tài chính 2025 vào đầu năm 2026.
TS. Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, quy định hiện nay yêu cầu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 20% mới được xem xét điều chỉnh GTGC là không còn phù hợp. Thực tế CPI đã tăng hơn 16% kể từ lần điều chỉnh năm 2020, và nếu tính đầy đủ có thể đã vượt ngưỡng 20%. Do đó, mức GTGC mới cần sớm được đưa vào áp dụng, không nên tiếp tục trì hoãn.
Một nội dung quan trọng khác được đưa vào đề xuất sửa đổi là rút gọn biểu thuế lũy tiến từ 7 bậc hiện hành xuống còn 5 bậc, đồng thời giảm thuế suất tối đa từ 35% xuống 25% – tiệm cận hơn với mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20%.
Hiện nay, người có thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng đã phải chịu thuế TNCN ở mức cao nhất 35% là quá bất hợp lý trong bối cảnh thu nhập phổ biến tại các đô thị lớn đã tăng nhanh. Việc giãn khoảng cách giữa các bậc thuế và nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế cao nhất (ví dụ từ 160 triệu đồng trở lên mới áp dụng mức cao nhất) sẽ giúp người lao động không bị thiệt khi thu nhập tăng.
Việc thiết kế lại biểu thuế và GTGC theo hướng linh hoạt, sát thực tế, công bằng sẽ không chỉ giảm áp lực cho người lao động, mà còn tạo động lực để họ kê khai và nộp thuế đầy đủ. Theo các chuyên gia, nguồn thu từ thuế TNCN sẽ không giảm, mà ngược lại còn tăng bền vững khi người dân cảm thấy chính sách thuế hợp lý và minh bạch.
Chủ trương điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo vùng, miền – gắn với lương tối thiểu vùng – được đánh giá là phù hợp với thực tiễn kinh tế, xã hội và thể hiện sự quan tâm đúng mức của Chính phủ đối với đời sống người lao động. Nếu được áp dụng đúng thời điểm và đúng cách, đây sẽ là một bước cải cách thuế công bằng, hiệu quả và tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Luật Nguyễn (Luật Nguyễn Corp) và người sáng lập Cộng đồng Doanh nhân Tâm Giao (TGEC), bà không chỉ là một luật sư tài năng mà còn là một nhà lãnh đạo, một người kết nối, và một tấm gương sáng về sự cống hiến và trách nhiệm. Với triết lý sống “Trao chữ tín...