Theo quy định hiện hành, cổ tức bằng cổ phiếu chỉ bị đánh thuế TNCN khi cổ đông bán số cổ phiếu đó ra thị trường và thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, với đề xuất mới, việc nộp thuế sẽ diễn ra ngay tại thời điểm cổ đông được ghi nhận quyền sở hữu cổ phiếu chia thưởng hoặc cổ tức, bất chấp việc họ có ý định bán hay không.
Về nguyên tắc, cổ tức — bất kể là bằng tiền mặt hay cổ phiếu — đều là phần lợi nhuận mà doanh nghiệp chia lại cho cổ đông, và theo đó được coi là một loại thu nhập. Từ góc độ pháp lý thuế, thu nhập phát sinh là căn cứ để tính nghĩa vụ thuế, và không nhất thiết gắn liền với dòng tiền thực tế.
Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết, giai đoạn 2016–2024, các cá nhân đã nhận tổng cộng gần 35 tỉ cổ phiếu từ cổ tức và cổ phiếu thưởng. Tuy nhiên, tổng số thuế TNCN thu được chỉ hơn 1.318 tỉ đồng, tương đương chưa tới 8% so với số thuế lẽ ra phải thu nếu tính đúng theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu với thuế suất 5%).
Sự chênh lệch này cho thấy nhiều nhà đầu tư đã không thực hiện nghĩa vụ thuế khi bán cổ phiếu hoặc thậm chí chuyển nhượng phức tạp, không qua sàn để né thuế, khiến ngân sách thất thu và chính sách thuế mất công bằng so với cổ tức tiền mặt — vốn bị khấu trừ thuế ngay tại nguồn.
Việc đánh thuế ngay khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu sẽ bịt lỗ hổng này, đồng thời tạo sự công bằng giữa các hình thức phân phối lợi nhuận doanh nghiệp.
Đề xuất này dù có lý từ góc độ ngân sách và quản lý, nhưng lại đặt cổ đông cá nhân vào thế bị động. Việc phải nộp thuế ngay khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu đồng nghĩa với việc cổ đông phải bỏ tiền mặt để nộp thuế, trong khi không thu được tiền mặt từ số cổ phiếu vừa nhận.
Đây là một nghịch lý tài chính: cổ đông đang nắm giữ tài sản phi tiền mặt, nhưng lại phải xử lý nghĩa vụ thuế bằng tiền mặt. Với những nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc dài hạn không có ý định bán ra ngay, đây là một gánh nặng không nhỏ, nhất là trong thời điểm thị trường có biến động, giá cổ phiếu chưa tăng trưởng mạnh.
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho rằng, trong kịch bản này, nhà đầu tư phải nắm giữ cổ phiếu lâu hơn để tích lũy mức lợi nhuận đủ lớn, nhằm bù đắp phần thuế đã nộp sớm. Đây là một chiến lược dài hạn và đòi hỏi cổ đông phải có năng lực tài chính vững, cùng niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp.
Theo đề xuất, doanh nghiệp phát hành cổ phiếu cổ tức sẽ phải chịu trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN tại nguồn và nộp thay cho cổ đông, tương tự như với cổ tức tiền mặt. Điều này sẽ làm tăng khối lượng công việc, trách nhiệm kế toán và tuân thủ, đặc biệt là với các công ty có hàng nghìn cổ đông.
Quan trọng hơn, sức ép từ cổ đông có thể khiến doanh nghiệp phải ưu tiên chia cổ tức bằng tiền mặt, thay vì giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư hoặc phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu. Điều này ảnh hưởng đến chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như bất động sản, hạ tầng, năng lượng...
Nếu doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng sang chia cổ tức tiền mặt để chiều lòng cổ đông, họ sẽ phải hạn chế đầu tư, thu hẹp kế hoạch mở rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng và năng lực cạnh tranh dài hạn.
Việc bị đánh thuế ngay khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu sẽ có tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trước đây, cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu thường được kỳ vọng là “của để dành” trong danh mục, không tạo ra nghĩa vụ tài chính tức thì. Nay, với đề xuất mới, nhà đầu tư sẽ phải tính toán lại, từ khía cạnh thuế đến chiến lược đầu tư.
Điều này có thể làm giảm hấp dẫn của cổ phiếu chia cổ tức bằng cổ phiếu, đồng thời khiến tính thanh khoản suy yếu khi nhà đầu tư ngại nhận thêm cổ phiếu nhưng không muốn bán ra vì giá chưa đạt kỳ vọng. Một phần dòng tiền có thể dịch chuyển sang các sản phẩm đầu tư khác ít ràng buộc hơn về thuế.
Một số chuyên gia kiến nghị Bộ Tài chính nên xem xét phương án trung hòa, chẳng hạn cho phép cổ đông tự lựa chọn thời điểm nộp thuế — hoặc khi nhận, hoặc khi bán — kèm theo điều kiện cam kết và truy thu nếu vi phạm. Phương án này giúp duy trì sự linh hoạt, phù hợp với đặc thù của thị trường vốn, nơi giá trị tài sản biến động theo thời gian và không phải lúc nào cũng hiện thực hóa thành tiền ngay.
Ngoài ra, nếu áp dụng đánh thuế ngay khi nhận, có thể cân nhắc giảm thuế suất hoặc áp dụng ngưỡng miễn thuế đối với số cổ tức nhỏ để giảm gánh nặng hành chính và tránh gây thiệt hại không đáng có cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.
Không thể phủ nhận, đề xuất đánh thuế TNCN ngay tại thời điểm nhận cổ tức bằng cổ phiếu giải quyết được lỗ hổng lớn trong việc thu thuế, đồng thời thúc đẩy tính minh bạch, công bằng giữa các loại hình đầu tư.
Tuy nhiên, nếu không được triển khai thận trọng và đi kèm các cơ chế hỗ trợ phù hợp, chính sách này có thể tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường, tạo thêm áp lực tài chính không cần thiết cho cổ đông, đồng thời ảnh hưởng đến kế hoạch phân phối lợi nhuận và tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp.
Việc Bộ Tài chính mở rộng lấy ý kiến đối với đề xuất này là một bước đi đúng đắn. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà hoạch định chính sách, giới chuyên gia và đại diện doanh nghiệp để đảm bảo chính sách thuế không chỉ hợp lý về mặt tài chính mà còn hợp tình và hiệu quả trong thực tiễn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trong hành trình hơn 25 năm phát triển của Luật Nguyễn, bên cạnh những bước tiến mạnh mẽ và thành tựu đáng tự hào, không thể không nhắc đến những con người đã đặt nền móng và gắn bó trọn vẹn với sự nghiệp chung. Luật sư Trần Đình Phúc là một trong số ấy. 1. Người đồng hành từ những ngày đầu...