Một trong những vụ việc điển hình xảy ra ngày 26/5/2025. Chị H. (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đọc được bài viết giới thiệu về cuộc thi và lớp trải nghiệm hè cho trẻ em trên Facebook. Khi liên hệ đăng ký, chị được hướng dẫn thực hiện “nhiệm vụ” đầu tiên: chuyển khoản 3,9 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp, và được hứa hẹn sẽ nhận lại 4,1 triệu đồng ngay sau khi hoàn thành.
Nhận thấy sự “thưởng tiền nhanh”, chị H. tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thứ hai với số tiền lớn hơn là 10 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, đối tượng bắt đầu đưa ra hàng loạt lý do: sai cú pháp, lỗi hệ thống, cần nộp thêm phí xử lý, thuế… và yêu cầu chuyển thêm tiền để “mở khóa nhiệm vụ” và hoàn tiền. Bằng các thủ đoạn liên tiếp tạo áp lực và hứa hẹn, chúng đã khiến chị H. chuyển nhiều lần. Tổng số tiền bị lừa lên đến hơn 3 tỷ đồng.
Vụ việc đã được chị H. trình báo cơ quan công an để xử lý theo pháp luật.
Theo Công an TP Hà Nội, thời gian qua xuất hiện nhiều fanpage, tài khoản cá nhân trên mạng xã hội mạo danh các tổ chức uy tín, sử dụng tên gọi dễ gây nhầm lẫn như: “Học kỳ quân đội cho trẻ em”, “Trại hè Công an – Quân đội”, “Giải chạy vì cộng đồng”, “Khóa đào tạo người mẫu nhí”… để đăng bài tuyển sinh, mời gọi tham gia chương trình trải nghiệm hấp dẫn.
Thủ đoạn của các đối tượng gồm:
Đăng bài tuyển sinh trên mạng xã hội, sử dụng hình ảnh các buổi lễ khai giảng, lễ tốt nghiệp, học sinh mặc đồng phục giống quân đội, công an hoặc nghệ thuật để tạo cảm giác chuyên nghiệp.
Tạo chatbot hoặc người tư vấn 24/7, trả lời nhanh, có thông tin học phí, địa điểm học, lịch trình rõ ràng để chiếm lòng tin.
Hướng dẫn phụ huynh “làm nhiệm vụ" hoặc “nạp tiền để mở khóa chương trình", cam kết hoàn tiền kèm thưởng hoặc tặng quà.
Sau khi nạn nhân chuyển tiền, tiếp tục yêu cầu thực hiện thêm các nhiệm vụ khác với số tiền tăng dần, đưa ra lý do lỗi kỹ thuật, lỗi đơn hàng, hoặc yêu cầu đóng thêm thuế/phí.
Khi người bị hại không chuyển thêm, chúng sẽ chặn liên lạc, xóa tài khoản, hoặc “đóng fanpage” để xóa dấu vết.
Để phòng ngừa rơi vào bẫy lừa đảo, Phòng Cảnh sát hình sự – Công an TP Hà Nội đề nghị người dân thực hiện các biện pháp sau:
Chỉ đăng ký các chương trình ngoại khóa từ đơn vị có địa chỉ cụ thể, số điện thoại xác minh rõ ràng và có giấy phép tổ chức. Ưu tiên tra cứu thông tin trên website chính thức của tổ chức, trường học, hoặc các cơ sở giáo dục có uy tín.
Tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản được cung cấp qua tin nhắn mạng xã hội. Các giao dịch học phí, lệ phí nên được thực hiện qua tài khoản đứng tên pháp nhân tổ chức.
Không tin vào các chương trình “chuyển tiền nhận thưởng”, “làm nhiệm vụ hoàn tiền”, “mở khóa để rút tiền”, vì đây là chiêu trò phổ biến của các nhóm lừa đảo online.
Cảnh giác với hình ảnh chuyển khoản, sao kê được gửi từ các nhóm "kiếm tiền online", bởi chúng dễ bị làm giả và tạo cảm giác tin tưởng giả tạo.
Ngay khi phát hiện hành vi bất thường, người dân nên:
Ngừng tất cả các giao dịch tài chính ngay lập tức.
Lưu lại toàn bộ tin nhắn, bằng chứng giao dịch, chụp lại thông tin tài khoản đã chuyển tiền.
Trình báo cho Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ với Phòng Cảnh sát hình sự TP Hà Nội để được hướng dẫn xử lý.
Chia sẻ cảnh báo đến cộng đồng, đặc biệt là các hội nhóm phụ huynh, để cùng nâng cao cảnh giác.
Trong thời đại số, khi mọi thông tin đều có thể được tạo lập và làm giả dễ dàng trên mạng xã hội, sự tỉnh táo và xác minh kỹ lưỡng là "lá chắn duy nhất" giúp bạn và gia đình tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tinh vi. Đừng vì kỳ vọng vào những chương trình trải nghiệm hấp dẫn cho con mà đánh mất cảnh giác, và đừng bao giờ để “nhiệm vụ” online đánh đổi bằng tài sản thật của gia đình bạn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trong đội ngũ luật sư kỳ cựu của Luật Nguyễn, có những người đã gắn bó từ thuở mới chập chững vào nghề, mang theo bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát khao cống hiến. Luật sư Nguyễn Thị Hồng Nga là một trong số đó. Từ một cô sinh viên luật thực tập cho đến một luật sư chính thức, chị đã có hơn...