Giữa trưa ngày 9/7, không khí tại Saigon Square vẫn khá tấp nập với lượng khách du lịch và người dân địa phương ra vào. Tuy nhiên, điều khiến không ít người ngỡ ngàng là sự vắng bóng của hàng hóa trên quầy kệ. Thay vì trưng bày rực rỡ như trước, phần lớn tiểu thương chọn cách giấu sản phẩm bên trong, chỉ để khách hàng xem mẫu qua hình ảnh lưu trong điện thoại. Nếu khách có thiện chí mua và đồng ý với giá, hàng mới được lôi ra từ bên trong để thử và thanh toán.
Cảnh tượng phổ biến tại đây là một nhân viên đứng ngoài tiếp thị, người còn lại ở bên trong kiểm soát hoạt động giao dịch. Khi khách bước vào, cánh cửa được hé mở vừa đủ, rồi nhanh chóng khép lại. Nếu phát hiện có dấu hiệu kiểm tra từ cơ quan chức năng, ngay lập tức cửa được đóng sập, bạt kéo phủ xuống, mọi hoạt động như chưa từng diễn ra.
Chị Minh Hòa – một khách hàng tại đây – kể lại rằng chị vừa được nhân viên mời vào xem túi xách thì bất ngờ cánh cửa bị đóng sập. Nhân viên giải thích “có kiểm tra đột xuất nên phải tạm ngưng bán, hẹn chị quay lại sau”.
Đặc trưng của mô hình buôn bán mới tại Saigon Square hiện nay là sự kín đáo tối đa, không gian mở tối thiểu. Các sản phẩm thường chỉ được bày ra vài mẫu tượng trưng, thậm chí là không có gì ngoài một chiếc ghế cho khách ngồi chờ và chiếc điện thoại làm “catalog”.
Dù vậy, khi được hỏi về các thương hiệu lớn, người bán vẫn có thể đưa ra hàng chục cái tên quen thuộc như Louis Vuitton, Gucci, Dior, Chanel, YSL..., sẵn sàng đáp ứng nhu cầu với mức giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Một số tiểu thương công khai thừa nhận đây không phải hàng chính hãng: “Giá đó mà hàng thật thì sao có lời? Chị nhìn biết ngay mà”.
Để đối phó với kiểm tra, cửa hàng còn chốt cửa hờ, chuẩn bị sẵn bạt để nhanh chóng che kín khi có dấu hiệu nghi ngờ từ phía quản lý thị trường.
Sự thay đổi cách buôn bán kín đáo này bắt đầu diễn ra mạnh mẽ sau đợt kiểm tra diện rộng cuối tháng 5/2025. Lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ hàng ngàn sản phẩm giả mạo, từ túi xách, ví, đồng hồ cho đến áo thun gắn nhãn hiệu nổi tiếng. Dù đến giữa tháng 6, nhiều sạp đã đóng cửa tránh đối đầu, đoàn kiểm tra vẫn tiếp tục tịch thu hơn 400 sản phẩm vi phạm.
Theo ông Trần Việt Hùng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Saigon Square hiện nằm trong danh sách điểm nóng phải giám sát thường xuyên. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Chi cục QLTT TPHCM đã xử lý 526 vụ vi phạm, thu hơn 19,6 tỷ đồng tiền xử phạt hành chính và chuyển hồ sơ 4 vụ có dấu hiệu hình sự sang công an.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM, cho biết một số tiểu thương biện minh không có hóa đơn đầu vào, hoặc nhập hàng từ các nguồn không chính ngạch, thiếu chứng từ hợp lệ. Tuy nhiên, theo ông, việc này vẫn vi phạm quy định về kinh doanh hàng hóa, nhất là trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và các thương hiệu chính hãng.
"Chúng tôi chia sẻ với khó khăn trong hoạt động buôn bán nhỏ lẻ, nhưng luật pháp thì không thể nhân nhượng. Muốn bền vững, tiểu thương phải hướng tới kinh doanh hợp pháp, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ", ông Huy nhấn mạnh.
Trong khi Saigon Square e dè với cửa đóng then cài, một "thiên đường mua sắm" khác – chợ Bến Thành – lại thể hiện sự thoải mái, cởi mở trong buôn bán. Tại đây, túi xách, giày dép, quần áo nhái các thương hiệu đình đám được trưng bày công khai, không ngại ngần mời khách thử, mặc cả và chọn lựa.
Giá mỗi chiếc túi "hiệu" dao động từ 300.000 – 700.000 đồng, tiểu thương sẵn sàng khẳng định: “Hàng này là nhái thôi, nhưng đẹp, xài bền, không phải lo”. Cách bán hàng này khiến nhiều khách du lịch thích thú, song lại khiến cơ quan chức năng lo ngại về tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lan rộng.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, tình trạng “cửa đóng then cài” ở Saigon Square phản ánh những bất ổn trong hoạt động thương mại của các chợ truyền thống. Tuy nhiên, ông cho rằng nguy cơ tiềm ẩn lớn hơn nằm ở các điểm tập kết, kho hàng giả quy mô lớn, nơi hàng hóa được nhập lậu qua biên giới, sau đó phân phối về nội thành.
Đây là đầu mối chính cung cấp cho các sạp hàng lén lút như ở Saigon Square hay các chợ lớn trong TP. Việc truy quét, kiểm soát các kho này sẽ là trọng tâm trong chiến lược lâu dài nhằm dẹp bỏ hàng hóa không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và thị trường nội địa.
Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng khẳng định: việc kiểm tra, xử lý hành vi buôn bán hàng giả, hàng vi phạm nhãn hiệu là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài, nhằm thiết lập một môi trường thương mại minh bạch, công bằng và có trách nhiệm. Đặc biệt, với các địa điểm “nóng” như Saigon Square, công tác giám sát sẽ được tăng cường, luân phiên và đột xuất để ngăn chặn tình trạng tái phạm.
Đồng thời, người tiêu dùng cũng được khuyến cáo nên thận trọng khi lựa chọn sản phẩm, yêu cầu hóa đơn, chứng từ và kiểm tra nguồn gốc để tránh mua phải hàng nhái, kém chất lượng.
Những gì đang diễn ra tại Saigon Square là biểu hiện của một hệ sinh thái thương mại chưa lành mạnh, nơi hành vi đối phó, né tránh kiểm tra thay vì minh bạch và chính danh. Trong khi thị trường bán lẻ đang từng bước chuyển mình theo hướng hiện đại, việc quay về với giá trị thật – sản phẩm thật – trách nhiệm thật mới là con đường giúp tiểu thương giữ vững chỗ đứng lâu dài và xây dựng lòng tin nơi người tiêu dùng.
Bởi lẽ, cánh cửa khép lại có thể che đi ánh nhìn của cơ quan chức năng, nhưng không thể che giấu sự thật lâu dài trong một thị trường ngày càng minh bạch và có yêu cầu cao từ khách hàng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Luật Nguyễn (Luật Nguyễn Corp) và người sáng lập Cộng đồng Doanh nhân Tâm Giao (TGEC), bà không chỉ là một luật sư tài năng mà còn là một nhà lãnh đạo, một người kết nối, và một tấm gương sáng về sự cống hiến và trách nhiệm. Với triết lý sống “Trao chữ tín...