Theo luật sư bào chữa, biệt danh “Pháo” gắn liền với tên mẹ bị cáo Hậu – người hiện đã cao tuổi và không liên quan đến vụ án. Tên gọi này được sử dụng từ thời nhỏ để phân biệt với những người trùng tên trong xóm. Gia đình bị cáo không muốn biệt danh đó tiếp tục bị nhắc đến trong bối cảnh pháp lý nhạy cảm, tránh gây tổn thương về danh dự, nhân phẩm cho người thân vô can.
Chủ tọa phiên tòa sau đó đã lưu ý báo chí cần tôn trọng tên gọi chính thức, dùng đúng họ tên cá nhân theo giấy tờ pháp lý của bị cáo khi đưa tin.
Tình huống này gợi nhớ đến vụ án từng gây chú ý năm 2020, khi bị cáo Phan Văn Anh Vũ cũng từng không đồng tình việc trong cáo trạng và truyền thông thường gọi mình là “Vũ ‘Nhôm’” – một biệt danh gắn với nghề làm nhôm kính trước đây. Bị cáo cho rằng cách gọi như vậy khiến ông bị gán mác “tội đồ” trong mắt công chúng, dù cái tên này vốn chỉ là cách gọi dân dã.
Trong thực tế, biệt danh hay tên thường gọi là hiện tượng phổ biến trong đời sống xã hội Việt Nam. Nhiều người từ nhỏ đã được người thân, hàng xóm gọi bằng biệt danh để dễ phân biệt hoặc thể hiện sự thân mật. Biệt danh có thể phản ánh đặc điểm ngoại hình, tính cách, nghề nghiệp hoặc hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Nhưng cũng vì tính chất đời tư, biệt danh có thể tiềm ẩn yếu tố nhạy cảm, thậm chí gây tổn hại danh dự khi bị đưa vào các văn bản pháp lý hoặc công bố rộng rãi trên truyền thông.
Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành (năm 2015, sửa đổi bổ sung) không có quy định bắt buộc ghi nhận tên gọi khác hoặc biệt danh của bị can, bị cáo trong bản án. Điều 260 khoản 2 điểm a của luật này chỉ yêu cầu ghi rõ: họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, dân tộc và tiền án tiền sự.
Tuy nhiên, thực tiễn lại khác. Các cơ quan tiến hành tố tụng – gồm Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án – đều đang áp dụng các văn bản hướng dẫn nội bộ quy định việc ghi nhận tên gọi khác nếu có.
Ví dụ:
Thông tư số 61/2017 và 119/2021 của Bộ Công an yêu cầu trong kết luận điều tra phải ghi thêm tên gọi khác của bị can nếu có;
Quyết định số 15/2018 của Viện KSND Tối cao cũng đưa ra hướng dẫn tương tự với cáo trạng;
Nghị quyết 04/2004 và 05/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì yêu cầu ghi đầy đủ tên, bí danh, tên thường gọi khác (nếu có) của bị cáo trong bản án sơ thẩm.
Như vậy, tuy không bắt buộc theo luật, nhưng nhiều hướng dẫn thực hành tố tụng vẫn yêu cầu điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán phải ghi nhận biệt danh nhằm mục tiêu: xác định đúng người thực hiện hành vi phạm tội, đặc biệt trong các vụ án có nhiều người trùng tên hoặc bị cáo có nhiều tên gọi xã hội khác nhau.
Sự khác biệt giữa cách gọi trong hồ sơ tố tụng và trong truyền thông càng khiến câu chuyện trở nên phức tạp. Trong một số trường hợp, việc nhắc lại biệt danh trên mặt báo có thể gây tổn hại đến người thân bị cáo hoặc chính danh dự cá nhân họ, nhất là khi biệt danh đó không do bị cáo tự lựa chọn, hoặc chứa yếu tố miệt thị, xúc phạm.
Tuy nhiên, cũng có tình huống ngược lại: bị can, bị cáo là người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội với những cái tên khác hẳn tên khai sinh. Trong những trường hợp này, việc dùng biệt danh, nickname, tên tài khoản mạng (như tên Facebook, TikTok, YouTube...) lại giúp công chúng dễ nhận diện và hiểu được mức độ ảnh hưởng của vụ việc.
Ví dụ:
Trong vụ án “sản xuất hàng giả là thực phẩm, lừa dối khách hàng”, bị can Phạm Quang Linh ít được biết tới với tên thật. Nhưng nhắc tới “Quang Linh Vlogs” thì cộng đồng mạng lập tức nhận ra nhân vật nổi tiếng trên YouTube.
Hay “Hằng Du Mục” – TikToker có triệu lượt theo dõi – lại ít ai biết tên thật là Nguyễn Thị Thái Hằng.
Việc lựa chọn gọi tên nào cần được cân nhắc giữa yếu tố hiệu quả truyền thông – minh bạch pháp lý – quyền nhân thân. Trong một số trường hợp, có thể cân nhắc gọi kép như “Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục)” để vừa đảm bảo tính chính xác, vừa giúp người đọc dễ hình dung.
Về pháp lý, theo Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015, tên của cá nhân được xác định theo họ tên khai sinh. Các biệt danh, tên thường gọi không có giá trị pháp lý ràng buộc và không được thừa nhận trong các quan hệ pháp luật như tố tụng hình sự. Do đó, việc ghi nhận biệt danh không nên trở thành quy định cứng bắt buộc.
Thay vào đó, cơ quan tố tụng có thể:
Ghi nhận biệt danh nếu bị can, bị cáo từng sử dụng phổ biến trong cộng đồng và chính họ thừa nhận;
Không ghi hoặc hạn chế ghi biệt danh nếu có khả năng gây ảnh hưởng tới danh dự, quyền nhân thân, đặc biệt là liên quan đến gia đình người vô can;
Cần có quy trình xem xét việc công khai biệt danh ra truyền thông, nhất là khi nó không cần thiết cho việc xác định nhân thân hoặc khi bị cáo phản đối.
Theo Quyết định số 46 ngày 20/2/2017 của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về quy tắc ứng xử của kiểm sát viên:
Đối với cá nhân, kiểm sát viên gọi “bị cáo” hoặc “bị cáo + họ tên”, ví dụ: “Bị cáo Nguyễn Văn A trình bày…”
Đối với pháp nhân thương mại, kiểm sát viên gọi “bị cáo + tên pháp nhân đầy đủ”.
Với người bị kết án, sử dụng “phạm nhân + họ tên đầy đủ”.
Cách gọi này vừa thể hiện sự tôn trọng quy tắc tố tụng, vừa giúp đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung lập trong quá trình tranh tụng.
Việc ghi nhận biệt danh của bị can, bị cáo trong văn bản tố tụng hình sự hiện chưa được quy định rõ ràng trong Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng lại đang được áp dụng qua các văn bản hướng dẫn nội bộ. Tuy nhiên, vì biệt danh gắn liền với đời sống riêng tư, có thể gây tổn thương cho cá nhân hoặc gia đình bị cáo, nên cần xem xét kỹ lưỡng. Luật pháp cần hướng tới việc bảo vệ quyền nhân thân, đồng thời đảm bảo hiệu quả nhận diện và tuyên truyền pháp luật đúng đối tượng, nhất là trong thời đại mạng xã hội và truyền thông lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay.
Nguồn Báo Pháp Luật
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trong bất kỳ tổ chức nào, bên cạnh những người trực tiếp "ra trận" tạo nên doanh thu, còn có những "kiến trúc sư thầm lặng" xây dựng nên nền móng vững chắc. Tại Luật Nguyễn, người ta thường nhắc đến những luật sư dày dạn kinh nghiệm, nhưng ít ai biết về Nguyễn Thị Kim Hường – một trong những...